Ban khuyến học – Caritas Việt Nam: trải nghiệm để chắp cánh ước mơ

Có lẽ cuộc sống cần nhiều hơn những trải nghiệm, những quan sát. Những hình ảnh trên ti-vi, những câu chuyện được mô tả cách tỉ mỉ trong truyện, những vần thơ được dệt cách khéo léo trong sách vở cũng không thể nào lột tả hết được cảm xúc chân thật bằng một chuyến đi thực tế, để ta có được những cảm nhận thật đời thường, thật dung dị. Chuyến đi đầy ý nghĩa đến thăm từng gia đình của các em trong chương trình Con Đường Sáng – Caritas Slovakia ở các Giáo phận Thái Bình, Hà Tĩnh và Huế đã mang lại cảm nghiệm đó cho chúng tôi – ban khuyến học Caritas Việt Nam.

Tiếp cận với các em trong chương trình nhận học bổng, được biết nhiều em có ước mơ thật lớn là muốn làm bác sĩ để sau này có thể khám chữa bệnh cho bố mẹ, cho các thành viên trong gia đình, giúp hàng xóm và nhất là những người nghèo khổ. Tại sao phần lớn các em lại có ước mơ cao như vậy? Thực tế là vì các em đang sống trong hoàn cảnh rất khó khăn, mơ cao với hy vọng sẽ phá vỡ được cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói mà cha mẹ các em đang phải đối mặt hàng ngày. Chúng ta cần chung tay để giúp các em đạt được ước mơ ấy. Việc đầu tư cho các em kém may mắn nhất để cho chúng một cơ hội công bằng trong cuộc sống không chỉ là điều nên làm, mà còn là cách hữu hiệu giúp các em nâng cao kiến thức qua việc học, cải thiện đời sống và dần phá vỡ vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói.

Đến thăm em Đoàn Bảo Ngọc, lớp 4, thuộc giáo xứ Hưng Yên, Thái Bình, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến một hoàn cảnh thật đáng thương: Bố mất khi em mới 2 tháng tuổi và khi em được 15 tháng thì mẹ bỏ đi có lẽ vì không chịu được cảnh túng thiếu. Lớn lên trong hoàn cảnh không cha không mẹ, em trở nên ít cười, ít tương quan với bạn bè, nét buồn luôn trực diện trên khuôn mặt ngây thơ với đôi mắt thật nhiều cảm xúc. Hiện giờ em đang sống cùng bà nội đau liệt giường vì bị tai biến. Nên em trở thành “tay hòm chìa khóa” bất đắc dĩ trong nhà. Hàng ngày em vẫn đến trường, tan học em về lo cơm nước cho bà nội. Bà nằm đó đã lâu không thể ngồi dậy và mọi sinh hoạt của bà diễn ra trên chiếc giường cũ. Đó cũng chính là “cái nôi” của em khi đêm về, vì trong nhà có còn gì giá trị hơn ngoài chiếc giường cũ đâu. Nằm cạnh bà, nhiều đêm em cũng nhớ đến cha mẹ mình; ước mơ về một cuộc sống đong đầy tiếng cười và niềm vui của một gia đình đúng nghĩa ẩn hiện trong giấc mơ của em mỗi khi đêm buông màn. Lúc này, hơn ai hết, bà nội cần có em bên cạnh; và em cũng cần có bà để làm chốn có nơi đi về. Hai bà cháu trở thành điểm tựa cho nhau và giúp nhau vượt qua những khó khăn trước mắt. Chúng ta nên làm gì để giúp em thực hiện ước mơ riêng mình?

Em Đoàn Bảo Ngọc và Bà Nội
Em Đoàn Bảo Ngọc và Bà nội

Đường về Giáo xứ Thái Sa, Thái Bình quanh co, len lỏi cũng giống như đời sống hiện tại của người dân làng chài Thủy Cơ vậy. Họ đang len lỏi men bờ sông Hồng đánh bắt cá tôm bằng những kỹ thuật và ngư cụ thủ công thô sơ để kiếm sống. Làng chài Thủy Cơ gồm những hộ dân nghèo nhất thôn. Hầu hết bà con không có đất ở, lấy thuyền làm nhà, lênh đênh trên sông Hồng kiếm cơm cháo đắp đổi qua ngày. Vì thế, con cái sinh ra theo cha mẹ học nghề chài lưới chứ không có đủ điều kiện học hành. Hàng ngày đối diện với những khó khăn, ngư dân nơi đây dần ý thức được việc cần phải cải thiện đời sống của thế hệ con cháu, cho chúng được no ấm và được đến trường. Từ suy nghĩ đó, một số hộ dân lên bờ mua đất dựng nhà, lấy chỗ cư ngụ cho con cháu đi học. Tuy nhiên, họ vẫn phải bám sông để sống, cuộc sống còn rất nhiều thiếu thốn và khó khăn. Để đến trường, hàng ngày các em ở làng chài phải đi qua một đoạn đường lầy lội trơn trượt, đi bộ đã khó, nếu có xe đạp càng không thể đi. Có em đã mất cha hoặc mẹ, có em may mắn được sống với cả hai, nhưng rất chật vật trong cuộc sống.

Em Trần Thị Liên thật rụt rè và ít nói khi được hỏi chuyện. Em đang học lớp 2 và may mắn được sống cùng với cả cha và mẹ trên chiếc thuyền nhỏ, nhưng cha em bị bại liệt nên rất khó khăn trong việc di chuyển. Vì thế, mẹ em chính là người hy sinh gánh vác mọi việc trong gia đình và để cho em được đến trường.

Em Trần Thị Liên
Em Trần Thị Liên và Cha

Cũng ở Thái Sa, len lỏi trong các ngõ xóm, chúng tôi dừng chân tại một ngôi nhà không có bố mẹ, chỉ có ông bà và các cháu. Ngôi nhà cũ, ông bà lớn tuổi, 4 cháu nhỏ bám lấy ông bà để sống vì bố mẹ chúng bỏ nhau và bỏ chúng lại để đi tìm cuộc sống mới cho riêng mình; còn gì cám cảnh hơn. Nhìn vẻ mặt và ánh mắt của bà và cháu, chúng tôi phần nào hiểu được họ đang cần gì. Dù khó khăn chồng chất, ông bà vẫn cố gắng cho các cháu đến trường để biết cái chữ với người ta, cùng với mong ước sau này có được cuộc sống tốt hơn.

Đến với Giáo xứ Tiên Nộn thuộc Giáo Phận Huế, chúng tôi ghé thăm em Phan Thị Diễm Quỳnh, lớp 5. Em đã rất xúc động và không thể chia sẻ nhiều khi hỏi về hoàn cảnh của gia đình mình. Cả em và cha mẹ em đã phải đánh đổi nhiều thứ để em được đi học, em phải chấp nhận sống xa cha mẹ, ở với bà nội. Hai bà cháu ở nhờ trong nhà của một người bà con. Sống thiếu tình thương của cha mẹ, em được bà nội chăm sóc, nhưng cũng không đủ để bù đắp lại mối thân tình ràng buộc giữa cha mẹ và con cái.  Chính vì thế em hay khóc và ẩn giấu một nét buồn trên khuôn mặt bầu bĩnh.

Em Phan Thị Diễm Quỳnh và Bà nội

Cũng tại giáo xứ Tiên Nộn, gia đình em Võ Cao Thiện Thanh đang gặp rất nhiều bế tắc khi người bà sống chung đau nặng, cha em bị bệnh viêm khớp rất đau nhức, mẹ làm hương chẳng đủ trang trải cho cả gia đình. Em đang học lớp 5, vừa đi học vừa phụ mẹ những việc cần. Nhìn khung cảnh gia đình như không có tương lai, thật thương tâm.

Em Võ Cao Thiện Thanh (áo xanh) cùng Mẹ và em trai

Em Đàm Quang Ánh, thuộc nhóm được giúp đỡ của Giáo xứ Xuân Sơn, Giáo phận Hà Tĩnh. Em đang học lớp 9, hàng ngày em phải đi một đoạn đường khá xa khoảng gần 10km để đến được trường. Em không có xe đạp nên thường đi nhờ xe bạn. Cha mẹ em đi chăn trâu và làm thuê. Em không chia sẻ nhiều về gia đình mình, chỉ khi chúng tôi tìm đến tận ngôi nhà tranh tàn tạ thì mới biết hết hoàn cảnh đáng thương của em.

Em Đàm Quang Ánh

Còn rất nhiều trường hợp các em ở những nơi khác như Giáo xứ Chúc A, Giáo xứ Tam Trang thuộc Giáo Phận Hà Tĩnh hay Linh Thủy thuộc Giáo Phận Huế, đang phải chiến đấu với những hoàn cảnh khó khăn khác nhau để được đến trường. Thấy được tinh thần hiếu học của các em và sự nỗ lực của các gia đình, chúng tôi nhận thấy mình cần cố gắng để giúp các em đạt được ước mơ đời mình.

Dù còn nhiều khó khăn phía trước nhưng với sự hỗ trợ của Con Đường Sáng và sự cộng tác tích cực của Caritas các giáo phận, mong rằng Con Đường Sáng mãi sáng và chiếu sáng ngày một xa hơn, để chắp cánh cho những ước mơ của các em kém may mắn được thành hiện thực trong cuộc sống.

Ban Khuyến Học – Caritas Việt Nam